Content ID là một phần rất quan trọng bạn cần hiểu nếu muốn bảo vệ bản quyền cho các sản phẩm của mình. Nắm rõ các quy định về Content ID để biết cách xử lý nếu có ai đó “chôm” nội dung từ kênh của bạn đồng thời sẽ giúp bạn tối ưu hóa quá trình kiếm tiền từ Youtube hiệu quả hơn.
- Content ID là gì?
Hiểu một cách đơn giản thì Content ID cũng giống như cuốn sổ đỏ mà chính quyền cấp cho căn nhà của bạn vậy. Nhờ sổ đỏ mà chỉ có bạn mới có quyền quyết định sửa chữa, cho ai vào ở hay bán nhà. Tương tự Content ID thể hiện sở hữu của bạn với video, ai “dòm ngó” video mà bạn tạo ra thì bạn đều có quyền yêu cầu Youtube xử lý theo yêu cầu của bạn.
- Content ID giúp được gì cho bạn?
Chắc hẳn bạn không muốn ngôi nhà của mình bị kẻ khác ra vào tự nhiên, lấy bớt tài sản hoặc… trồng một cái cây mà không hỏi ý kiến bạn đúng không? Video trên Youtube cũng vậy, không ai muốn công sức làm nội dung, quay dựng của mình bị kẻ khác đem về dùng ngang nhiên được. Lúc đó, Content ID sẽ làm siêu nhân không mặc sịp đứng ra bảo vệ bạn.
Cụ thể như sau:
Khi người khác upload video cũng sẽ qua “máy rà” của Youtube để xác minh Content ID. Nếu Youtube phát hiện có một, một vài phần hoặc toàn bộ nội dung giống như video đã đăng ký Content ID của bạn, Youtube sẽ gửi thông tin cảnh báo cho bạn với nội dung “Có người đã chôm tài sản của bạn, bạn muốn xử lý nó chứ?”. Đến đây quyền xử lý là nằm trong tay bạn rồi đó.
Bạn có thể chọn các hình thức xử lý như sau:
Chặn video: Nếu bạn hoàn toàn không muốn “tên trộm” kia sử dụng nội dung bạn đã tạo, hãy chặn video. Điều đó có nghĩa là mọi người sẽ không thể xem video đó. Bạn có thể quyết định chặn video đó trên toàn thế giới hoặc chỉ ở một số quốc gia nhất định. Nếu video của “tên trộm” bị chặn trên toàn thế giới, trạng thái tài khoản của hắn có thể bị ảnh hưởng, điều đó có nghĩa là hắn sẽ mất quyền truy cập vào một số tính năng Youtube.
Tắt tiếng video: Nếu bạn muốn cho “tên trộm” đó biết cảm giác ức chế là như thế nào, hãy tắt tiếng video. Hắn chỉ có thể nhìn hình mà không nghe được! Điều này có nghĩa là mọi người vẫn có thể xem video của hắn nhưng sẽ không thể nghe được âm thanh nào.
Chặn các nền tảng nhất định: Trong một số trường hợp, bạn có thể hạn chế thiết bị, ứng dụng hoặc trang web mà nội dung của “tên trộm” có thể xuất hiện trên đó. Những hạn chế này sẽ không thay đổi tính khả dụng của video trên Youtube.com.
Còn những “tên trộm” thì sẽ làm những gì?
Khi “tên trộm” biết mình đã bị “sờ gáy”, hắn có thể làm một số việc khác nhau tùy theo tình huống:
Không làm gì: Vì hắn biết đó là đồ ăn trộm có “phản kháng” gì cũng vô ích, nên hắn im lặng (và lại đi tìm video khác để upload tiếp chẳng hạn).
Xóa nhạc: Nếu hắn chỉ nhận được xác nhận quyền sở hữu về một đoạn nhạc trong video của mình, hắn có thể thử xóa bài hát mà không phải chỉnh sửa và tải lên video mới.
Hoán đổi nhạc: Nếu nhạc trong video của “tên trộm” được xác nhận quyền sở hữu nhưng hắn vẫn muốn có nhạc trong nền, hắn có thể hoán đổi bản nhạc của bạn với một trong các bài hát miễn phí sử dụng của Youtube.
Chia sẻ doanh thu: “Tên trộm” có thể đề nghị hợp tác với bạn để chia lợi nhuận.
Kháng nghị xác nhận quyền sở hữu: Nếu “tên trộm” có các quyền cần thiết để sử dụng nội dung được bảo vệ bản quyền trong video của mình hoặc nếu “tên trộm” cho rằng hệ thống đã nhận dạng sai video của hắn theo cách nào đó, “tên trộm” có thể kháng nghị xác nhận quyền sở hữu.
Cách đăng ký Content ID: Đăng ký tham gia các Network bảo vệ content
Đây là một cách đang được các nhà sáng tạo nội dung sử dụng nhiều nhất bởi các network đều có hệ thống Content ID phát triển mạnh, dành nhiều quyền lợi cho người dùng. Có thể kể đến một số Network có hệ thống Content ID mạnh mẽ và phổ biến sau:
Nước ngoài: FullScreen, Thoughtful Media, BroadbandTV…
Việt Nam: RIAV Network là network được sự bảo trợ từ hai đơn vị là Youtube và Nhà nước Việt Nam
Thủ tục đăng ký đơn giản, quyền lợi được bảo vệ chính đáng và lợi nhuận thu về cao là những ưu điểm của phương thức này.
Xem thêm về cách hoạt động của Content ID và các quy định khác về Content ID của Youtube tại đây.
BảnQuyềnSố ViệtNam